Con Không Cha… 

Nguyện ngồi cầm tờ báo có tiếng mẹ đẻ, đọc say sưa chăm chú một bản tin đăng trên đó, lòng đầy hứng khởi và hồ hỡi khi lấy cây bút, cẩn thận ghi số điện thoại từ bản tin đăng vừa đọc được trong báo, và nghĩ rằng mình sẽ đến địa điểm đó ngay sau khi gọi phôn, để tích cực ghi tên tham gia, đóng góp công và sức, cộng thêm thì giờ cho buổi hoạt động văn nghệ cứu trợ… Sau đó, sẽ tình nguyện ôm thùng tiền đi xin các nhà hảo tâm trong cộng đồng, bởi nàng quen biết khá đông các người chủ những cơ sở thương mại vùng nầy… để giúp cho nạn động đất xảy ra ở thành phố Mễ mới một tuần trước đây, khiến cho nhiều người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.


Bây giờ, thì rất nhiều người Việt tha hương có “tấm lòng vàng”, muốn làm một cái gì đó để chia sẻ, giúp đời, sau khi thời gian tất bật kiếm sống của ba mươi năm về trước, hoặc thuở ban đầu bước chân đến xứ sở lạ đã trôi vào dĩ vãng… Và con cái họ khi lớn khôn, thành tài, không còn thích ở chung cùng mái nhà với cha mẹ nữa, bởi chúng có một mái gia đình riêng… Hoặc cho dù vẫn còn độc thân, chúng vẫn không muốn sống gần bên cha mẹ, lý do dễ hiểu là với xứ sở tự do, chúng không muốn bị kiểm soát từng cử chỉ, việc làm…. Nhưng số đông nhất, vẫn là những người đa số gặp thất bại trong tình duyên, gia đạo…


Căn nhà rộng thênh thang ngày nào đầy ắp tiếng người, nay chỉ còn hai ông bà… chưa già mà cũng chẳng còn trẻ, ra vào thui thủi… nhất là khi người đàn ông tuổi tác mà giới trẻ đã gọi là “Cụ”, nghe bạn bè kháo chuyện, hay có Cụ đã về thăm quê hương, bị cơn lốc “gái trẻ” giăng bủa dính vào màng lưới, làm cho họ bị “ảo lốc” ám ảnh, lúc nào cũng muốn bỏ vợ để ra đi, xây dựng gia đình lại với 1 cô gái son trẻ nhưng yếu địa bên Việt Nam, sẵn sàng chiều chuộng và tâng bốc “anh già gân” lên mây xanh, mà cụ không bao giờ có được những cử chỉ đó từ bà vợ lâu năm của mình…


Họ thường ví von với nhau câu chuyện : “Một chiếc xe cũ (ý chỉ bà vợ) xài đã hai ba chục năm, làm sao mà bằng 1 chiếc xe mới toanh (gái trẻ thời đại) ai cũng muốn đổi…”


Những điều nầy càng làm cho người bị phản bội, đa số là phụ nữ tuổi sồn sồn hụt hẫng, nỗi buồn cô đơn đó ngày càng lớn hơn… Họ chỉ còn biết cầu nguyện, chờ đợi và suy nghĩ những việc làm sai trái của họ ngày xưa, thuở còn bồng bột v.v… rồi kết luận : “có lẽ đây là lúc Trời phạt họ”!


Do dó, sự cố xảy ra  khiến cho tấm lòng của họ mềm dịu lại, thương cho thân phận và dễ cảm thông, bắt đầu biết nghĩ đến những hoàn cảnh không may chung quanh mình, nhất là những cảnh khổ nghe và thấy trước mắt…., tâm trạng nầy không bao giờ có trước đây… Nguyện cũng là một trong số những người đó.


Nguyện đã trải qua thời gian bôn ba cực khổ trong cuộc sống. Từ lúc bước chân đến Mỹ, với số tuổi mười một còn quá nhỏ, nhưng Nguyện đã phải thức khuya dậy sớm để vừa đi học, vừa đi giao báo cho khu phố gần nhà, để cha mẹ có thêm lợi tức hàng tháng mà chi tiêu trong gia đình.

Người Sponsor cho gia đình ba má Nguyện không có lòng tốt như những người Mỹ khác. Họ bảo lãnh người Việt tỵ nạn mục đích là được giảm thuế hàng năm cho gia đình họ. Ba má Nguyện không hề biết có cơ quan chính phủ giúp đỡ người nghèo đông con, lợi tức thấp sẽ được chu cấp thêm tiền sinh sống cho hàng tháng.


Người bảo lãnh dĩ nhiên là không hề muốn những kẻ tỵ nạn đi xin những dịch vụ nầy, sẽ phiền toái đến họ. Thế cho nên trong hai năm đầu ở Mỹ, cày cực như trâu mới đủ ăn. Sau đó, nhờ đi nhà thờ quen biết với một số đồng hương, họ mới chỉ dẫn cho ba má Nguyện những văn phòng giúp đỡ người nghèo…

Rồi từ đó, ba má Nguyện có cuộc sống thoải mái hơn, và ngược lại, thì mối giao hảo sứt mẻ trầm trọng với người bảo trợ đi đến chỗ bị họ bỏ rơi, mặc cho người mới đến muốn làm gì thì làm…. bởi họ cho rằng ba má Nguyện đã bêu xấu, làm cho danh dự của họ bị tổn thương nặng nề!


Riêng cá nhân Nguyện, là con giữa trong gia đình, vừa mới lớn đã bị hối thúc lấy chồng vì trong nhà nhiều chị em gái. Con chị ế thì con em phải đi… Cô chị Cả thì tính nết dở dở ương ương, nhan sắc cũng không được đẹp… nên Nguyện lúc nào cũng bị mẹ chĩa mũi dùi… tương lai trước mặt thì tối thui, chẳng biết đường mà mà lần!… Quan niệm của ba má Nguyện như thế , nên Nguyện lấy chồng rất sớm do tự nguyện chứ không phải ai ép buộc, chỉ vì không muốn ở trong nhà cha mẹ, cứ luôn nghe những lời chỉ trích và la mắng hàng ngày, khiến cho nàng không vui. Thà lấy chồng rồi có cuộc sống riêng tư, đi cho khuất mắt ba má đỡ bực, hơn là phải nghe bà già “tụng” rền rĩ bên tai những khi vào bếp.


Cũng như bao người con gái khác, vợ chồng Nguyện lao đầu vào công việc một cách chăm chỉ. Họ đi làm cả cuối tuần để mong kiếm thêm tiền chi dụng cho gia đình, và có tí tiền còm để dành về sau…


Cái số của Nguyện của bấp bênh về đường tình duyên. Không phải Nguyện có tính lẳng lơ hay ham chơi… mà trái lại, Nguyện là một phụ nữ biết lo toan cho gia đình. Đi làm về, Nguyện chun đầu vào bếp nấu nướng dọn dẹp, sau đó ăn cơm rồi tắm rửa, coi TV một chút xong là đi ngủ. Cuộc đời cứ thế bình lặng trôi qua.


Rồi cho đến khi Nguyện có bầu, tới ngày sinh phải vô nhà thương nằm ba ngày. Ở nhà Trần, chồng Nguyện mới nghe lời thằng bạn trong sở, đi ra bar rượu để uống bia giải buồn. Trong bar rượu, gặp đám tiếp viên xinh đẹp ăn mặc quá xếch xy, Trần chới với mê mẩn…  rồi sau đó, đã dính líu tình cảm với một con nhỏ Mỹ tiếp viên trong quán. Chuyện còn đang nhì nhằng chưa giải quyết ổn thỏa, thì con bé lại có bầu…


Nguyện nằm nhà vừa coi con vừa lo nghĩ buồn rầu vì ông chồng hảo ngọt của mình. Dù được những người bạn gái có kinh nghiệm về sinh nở khuyên nhủ không nên buồn trong thời gian nầy, nhưng Nguyện vẫn âm thầm khóc hàng ngày. Bởi vì Nguyện thấy rõ ràng cùng là phận đàn bà như nhau, trong lúc Nguyện với đứa con còn đỏ hỏn trên tay, đang cần tình thương và sự săn sóc giúp đỡ của người chồng người cha, thì mỗi khi Trần đi làm về, mặt mày đăm đăm nhăn nhó vì phải giải quyết chuyện cô gái Mỹ, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị cao bồi du đảng đánh vì lời đe dọa từ phía gia đình cô gái… cho nên Trần không làm được một thứ gì ra hồn, kể cả việc nấu giùm Nguyện nồi cơm!


Chẳng những thế, Trần còn tỏ ra lo lắng cho cái thai của cô gái quá sức, như thể là chuộc lại lỗi lầm đã làm ra… mặc kệ vợ con cật ruột của mình tự mà lo lấy thân!


Sau đó, vì lời hăm dọa từ phía cha mẹ cô gái, chồng Nguyện năn nỉ nàng xé giấy hôn thú. Thế là chuyện tình của Nguyện gãy đổ ngang xương với người chồng thứ nhất. Tuy vậy, khi chia tay Nguyện cũng có một số tiền kha khá dằn túi để lo cho con.


Một thời gian sau, khi bé Thân được ba tuổi, Nguyện lại chung sống với một người đàn ông thứ hai trong đời. Ông Tú là người li di vợ từ lâu, con cái của ông đã lớn, tất cả vợ con còn ở bên Việt Nam, không gặp gỡ và có gì ràng buộc, ông lớn hơn Nguyện cả gần hai mươi tuổi… Như vậy thì quá tốt rồi… Nhưng ở đời thì thường có những chuyện khó 1ường , không đoán trước được.


Cuộc sống của ông Tú và Nguyện đang êm đềm chưa được đầy năm, thì một ngày ông  nhận được thư từ Việt Nam gởi qua, báo tin con gái ông lấy chồng , mời ông về quê hương để lo việc chủ hôn.


Được tin nầy, ông Tú vui vẻ hẳn lên, hồ hởi rủ Nguyện cùng đi. Ông ngồi hàng giờ bàn đến chuyến đi hội ngộ. Ông đưa ra ý kiến Nguyện nên mặc áo dài mầu gì, rồi hối thúc Nguyện phải đi lựa vải, may chiếc áo dài cho thật đẹp, thật nổi để mặc đi dự đám cưới cho thiên hạ lé mắt…


Ông nói nhiều, rất nhiều… Nguyện và ông sẽ ngồi với nhau trong đám cưới, ông không muốn ngồi chung bàn của cha mẹ cô dâu, vì ông đã có vợ khác v.v…

Nhưng sau đó hai tuần, khi nhận được thư từ Việt Nam gởi qua, đọc xong, ông từ từ phớt lờ, thôi không bàn gì việc đi với Nguyện về Việt Nam nữa, mà đổi qua đề tài chỉ nói mình ông về ăn cưới thôi.


Dĩ nhiên ông không thể nói ra lý do, vì bên phía vợ con cũ của ông ghét Nguyện như kẻ thù, mà ông biết rất rõ qua lời lẽ hằn học họ dành cho người vợ mới của ông, dù họ chưa biết Nguyện là ai. Cứ người đàn bà nào ở với chồng, cha họ là cũng đều là quân đáng ghét. Họ đã ra điều kiện là chỉ muốn một mình ông Tú có mặt ở đám cưới, cấm chỉ bà vợ trẻ của ông léo hánh.


Cô con gái của ông Tú từ bao lâu nay có biết ông là ai, nay bỗng ra chiều rất là thân thiết. Luôn gọi phôn sang cho ông rồi cúp, bắt ông phải gọi lại, ỏng ẹo nhõng nhẽo nhắn gởi đủ điều! Cô muốn ông phải mua cho cô như làm quà cưới thứ nầy, thứ nọ, luôn cả chiếc áo cưới mà cô sưu tầm trong cuốn Catalog mới nhất của hãng Macy’s.


Chưa hết, sau cùng cô còn thòng thêm trong tấm “card cám ơn”, có mấy câu xin tiền hai ngàn đô la, để bù đắp vào cái đám cưới quá tốn kém sắp đến, vì người ta nhìn vào cô có bố là Việt Kiều, không thể tổ chức xập xệ được!


Thế là theo sự nhẩm tính của Nguyện, chương mục của nàng mất đi ít nhất tám ngàn, tính luôn tiền vé máy bay ông Tú đi Việt Nam, chưa kể tiền cho ông tiêu vặt trong những ngày còn ở trong nước, và chiếc áo dài may để lấy le khi đi dự đám cưới tốn hết hai trăm đô, mà Nguyện không bao giờ có dịp mặc biểu diễn lần đó.


Nhìn cu Thân, Nguyện tội nghiệp cho con mình. Nhiều khi đi vào một shopping lớn, thấy con đòi thứ nầy thứ nọ, Nguyện tiếc tiền hay gạt ngang, chỉ mua cho con mấy thứ đồ chơi vớ vẩn bán trong những tiệm chín mươi chín xen. Bây giờ tự nhiên con của ông Tú ở đâu hiện ra, được hưởng một số tiền khá lớn trong gia đình nàng, Nguyện tiếc ngơ ngẩn, như lần bị nhận tấm giấy phạt lái xe chạy quá tốc độ từ tay ông cảnh sát xa lộ.


Lần đó, Nguyện tức mình đắt cu Thân đi shopping, mua cho con quần áo mới và đồ chơi, tính ra hơn bốn trăm đô la, làm cho cu Thân ngạc nhiên và mừng hết sức, thấy mẹ mình như một bà tiên, khắc với những lần “say NO” lúc trước, cu cậu vội ôm mẹ hôn lấy hôn để.


Lần đó hai mẹ con tay xách nách mang những bao giấy, túi lớn túi nhỏ đủ mầu, trông như là một gia đình giàu có dư dả đi sắm đồ…. Nhờ đó mà cu Thân mới có được một bộ xe lửa mầu đỏ với đường rầy rất dài, chạy vòng quanh phòng, đến khúc quẹo kêu bí bo bí bo thật đẹp mắt.


Từ khi ông Tú đi Việt Nam về, thái độ của ông bỗng dưng thay đổi hẳn. Ông như người mất hồn, gương mặt xa vắng đâu đâu, khiến cho Nguyện nghĩ là ông nhớ bà vợ cũ bên Việt Nam, dù thời gian trước đó, ông đã nói cả trăm lần với Nguyện là ông rất ghét bà nầy, chỉ vì tính tình bà ta giống như một con sư tử cái.

Đôi khi Nguyện tức lộn ruột, tự trách mình là đã chiều chồng quá lố, khiến bây giờ sự việc xảy ra như vậy. Lại con cô con gái rượu của ông nữa, thỉnh thoảng gọi điên thoại qua, gặp Nguyện bốc máy trả lời, cô ta làm như không biết nàng là ai, mà nói như sau:


–Tôi muốn nói chuyện với ông Tú.


Nguyện hỏi lại:


–Xin lỗi ai đầu giây?


–Nói tôi là con của ông.


Thế là khi Nguyện trao máy cho chồng, ông Tú lập tức ôm cái phôn đi tuốt ra ngoài sân, đóng cửa lại cẩn thận kẻo sợ Nguyện nghe. Chẳng biết hai cha con tâm sự cái gì mà càng ngày, mặt ông Tú càng đăm đăm hơn, nhìn rất khó ưa.


Một hôm, ông ngồi ở bàn ăn, nhìn Nguyện một lát rồi nói:


–Con gái anh gởi lời thăm em…


Nguyện ngạc nhiên, nghĩ thầm chắc lại có chuyện gì đây… Quả không sai, một lát ông Tú tiếp:


–Con gái anh muốn đi du lịch qua Mỹ chơi để thăm tụi mình… Nó cần người bảo lãnh… em có ông anh giàu, nhờ ổng bảo lãnh được không?


Hừ… đi ăn cưới thì cấm mình bén mảng đến gia đình nó, còn bây giờ muốn đi chơi thì nhờ gia đình mình để đạt mục đích… Dù nghĩ vậy, nhưng Nguyện cũng làm bộ hỏi:


–Em nghe anh nói bên gia đình phía mẹ nó, có nhiều anh em ở Mỹ giàu có, thành công lắm mà, sao không nhờ họ giúp mà lại nhờ bên phía em?

Ông Tú lắc đầu:

–Thì nhiều đó, nhưng cũng đâu có ai thật lòng với mình… Với lại con gái anh nói là hôm đám cưới của nó, em chưa cho quà, bây giờ em có thể “ca đô” cho nó vé máy bay đi Mỹ được không?


Suýt nữa thì Nguyện bị sặc khi nghe câu nầy. Bộ mình là một con ngu sao chứ! Thật là thiên hạ, cha con nhà nầy coi mình như cục cức khô! Muốn đối xử ra sao cũng được!


Không dưng Nguyện nghe cơn sùng nổi lên ứ cổ, nhưng cũng ráng kìm hãm được. Nguyện cố nhỏ giọng, nhẹ nhàng:


–Để em coi… em đang muốn đi thăm anh của em mà chưa đi được vì hơi kẹt tiền… Anh ấy mới bị té gãy xương chân hai tuần trước!


Ông Tú không để ý đến điều Nguyện vừa nói, ông chỉ nghĩ đến gia đình riêng của ông… tiếp tục năn nỉ:


– Em ráng giúp cho vợ chồng con gái anh nó đi Mỹ chơi một chuyến… Tội nghiệp nó thiếu may mắn, bị ở lại chịu nhiều cực khổ!


“Mụ nội nó, con mẹ ngu…” Nguyện lầm bầm tự chửi mình trong cổ họng. Thế là chuyện tình của Nguyện với ông Tú chấm dứt từ đó, dĩ nhiên do Nguyện chủ xướng.


Trong gia đình Nguyện, mấy người hỏi lý do, thì Nguyện tóm tắt: “Ổng đi Việt Nam xài tiền quá, Nguyện không thích…”,


Nguyện trả lời đơn giản chỉ vậy thôi, không muốn dài dòng kể lể những chi tiết nhỏ nhặt khiến bực mình, mà nàng phải gánh chịu lâu nay, cũng không muốn tâm sự thêm nhiều về chuyện nầy… Nghe chẳng hay ho gì, mà thiên hạ còn cho mình là dại! Nên trong nhà, đám anh chị em của Nguyện cho rằng Nguyện quá quắt. Nguyện cũng chẳng phản đối hay phân trần.


Nguyện thấy ông Tú là người đàn ông không có bản lãnh, ai nói sao nghe vậy… Khác với bề ngoài điềm đạm của ông… Hay là vì tình máu thịt nó làm cho ông thành như vậy! Nhưng dù sao, thì Nguyện không thích cảnh cha con ông Tú xài tiền để dành của Nguyện với thái độ không biết ơn, mà như là bổn phận phải làm.


Ông Tú sống với Nguyện chưa đầy năm, hàng tháng cũng đưa cho nàng khoảng một ngàn đô, chẳng thấm thía vào đâu, so với số tiền ông đã tiêu khi đi về Việt Nam. Nghĩ đến đó Nguyện lại buồn. Nỗi buồn len nhẹ vào tim. Ai cũng nghĩ Nguyện cư xử với ông Tú như vậy là tệ… vì coi đồng tiền bằng cái bánh xe bò!

Mặc kệ, Nguyện không cần ai biết đến chuyện nhà mình. Chẳng ai hiểu “ở trong chăn mới biết chăn có rệp”!


Nghĩ đến tương lai nếu còn ở với ông Tú, sẽ phải gặp cảnh chướng mắt hoài, Nguyện đâm chán. Nàng biết mình không thể cấm người ta liên lạc với nhau sẽ bị người đời dè bỉu, họ là cha con cơ mà! Thôi thì mình rút dù vậy! Cuộc tình tốn hết gần mười ngàn trong chương mục tiết kiệm của nàng, nhưng Nguyện bằng lòng chấp nhận… Bởi biết ngừng lại đúng thời điểm. Trễ còn hơn không!


Chuyện Nguyện chia tay ông Tú không náo động trong gia đình anh chị em nàng cho bằng sau đó một tháng, Nguyện mới biết mình bị dính bầu! Ôi trời ơi, cái bụng càng ngày càng thè lè ra, làm chướng mắt tất cả mọi người! Lúc đầu nàng cũng giấu diếm vì không muốn các em đưa  ra làm đề tài tranh cãi, chỉ trích. Nhưng vô phước thay, lại có người trong nhà đi về Việt Nam, và thấy ông Tú cặp tay một cô gái trẻ bằng con ông dạo phố, thì họ đồn rầm lên là Nguyện bị chồng chê chồng bỏ…


Thật là xấu hổ và nhục nhã cho cái mặt ngu! Thế là Nguyện mang tiếng lấy hai ông chồng, (một ông chưa có hôn thú) khi có bầu đều bị các ông cho rơi! Chắc là Nguyện bị “sao đó” nên đàn ông hay chê chán…


Nguyện nghe người đời dị nghị thì ít, mà mấy anh chị em xỏ xiên, coi thường thì nhiều. Họ cho rằng Nguyện là người bê bối, hay thay chồng đổi vợ, sống một đời sống không đàng hoàng, làm mất mặt gia đình…


Lý do đó khiến Nguyện càng thở dài nhiều hơn, cuối cùng đi đến quyết định trốn luôn cả gia đình họ hàng. Sau giờ làm việc về nhà dành thì giờ chơi với con nhiều hơn, nấu nướng dọn dẹp, và cùng lắm là đi shopping với cu Thân, nhưng luôn chọn đi dạo phố ở những nơi xa xôi, ít người Việt cư ngụ.


Ông Tú đâu có biết Nguyện có con với ông. Nguyện cũng dặn dò trong nhà là không nên nói cho ông Tú biết chuyện nầy, dù có tình cờ gặp cũng làm ơn lãng đi chỗ khác giùm, coi như hai bên không quen biết, để khỏi mất công trả lởi những câu hỏi từ đối phương đưa tới.


Đứa con của nàng khi sanh ra không cần một người cha như ông Tú. Nguyện đã tính sẵn là nàng sẽ tìm một người cha đỡ đầu cho con mình, tính tình hòa nhã, đạo đức, có tình thương con nít, và là một người đàn ông ít hoặc không con, để ông ta còn có thì giờ để ý tới thằng con đỡ đầu trong tương lai.


Thật ra thì ông Tú ngoài việc hay bị phiền hà, vòi tiền từ bên Việt Nam, cặp một cô bằng tuổi con gái mình… thì ông chưa hề đối xử tệ với Nguyện lần nào. Những lần đụng chuyện, ông hay chối quanh hay dùng lời xin lỗi cho qua…. Nhưng không hiểu sao Nguyện lại ghét ông nhiều như vậy! Có lẽ Nguyện đã bị in trí xấu về người đàn ông, như ông chồng thứ nhất rồi, khó lòng có mỹ cảm trở lại trong thời gian thật lâu.


Sau thời gian sanh đứa con thứ hai, một đứa con gái có khuôn mặt xinh đẹp như búp bê, hơn những đứa cháu trong nhà rất nhiều. Nguyện rất hãnh diện về con của mình. Con bé được mẹ đặt cho cái tên là bé Thương.


Dĩ nhiên là ngoài giờ lo cho con cái, Nguyện cũng có giao thiệp, đi chơi với một nhóm bạn thân cùng hoàn cảnh như nàng… Thời gian cứ thế trôi qua…


ooo


Mới đó mà con bé Thương đã ra trường. Mẹ nó vui mừng hớn hở đứng bên cạnh con gái với chiếc máy hình nhỏ xíu trong tay.


Thương khoác lên mình chiếc áo màu xanh “blue” đậm, đầu đội chiếc mũ có tua vàng rũ xuống trước trán, dành cho những tân khoa hôm nay. Trên cổ mang hai vòng hoa, một vòng của mẹ tặng là hoa lan mầu trắng, còn vòng hoa hồng tường vi tuyệt đẹp thì của một người ái mộ trong trường.


Thương cao hơn mẹ cả nửa cái đầu. Nàng có vóc dáng xinh đẹp đài các dù trong mái tóc đen xõa bồng bềnh sau lưng. Chả thế mà chàng luật sư trẻ tuổi, con trai ông Viện Trưởng chết mê chết mệt cô gái Á Đông nầy, quên cả những kỳ thị chủng tộc da vàng da đen trước đó…


Trong ngày vui mừng con ra trường hôm nay, Nguyện mời một số ít anh em bà con tham dự, nhưng cho đến giờ nầy, vẫn chưa thấy mặt ai. Nhìn hai đứa con, Nguyện vui mừng hãnh diện, vì qua bao ngày tháng kề cận bên con, lúc nào nàng cũng chăm chút, khuyên bảo con cố gắng học hành đàng hoàng, để cho mẹ được hãnh diện với đời, và tương lai các con tốt đẹp…


Thân đứng phía đầu dãy ghế nhìn mẹ và em mỉm cười. Cách đây ba năm, Thân cũng đã tốt nghiệp đại học ra trường, và đang đi làm ở một hãng điện tử ở thành phố gần đó. Dù cho mẹ có ý hối thúc, Thân vẫn chưa muốn lập gia đình. Lý do bởi Thân còn muốn ở với mẹ trong một thời gian nữa. Nếu bây giờ mà lập gia đình, thì Thân phải ở riêng lo cho vợ, mẹ Thân sẽ cô độc trong căn nhà quạnh vắng.


Bao nhiêu năm Nguyện nuôi con, nàng không tiến tới với một người đàn ông nào, chỉ thỉnh thoảng đi chơi trong nhóm, hội họp đấu láo rồi thôi, ai về nhà nấy. Nguyện sợ những người đàn ông miệng lưỡi tán gái ngọt sớt đầu môi lúc mới gặp. Những gã đàn ông nầy Nguyện gặp vô số ngoài đời, đếm không hết, cũng có cả những người đàn ông đàng hoàng, đáng tin cậy…. nhưng Nguyện sợ… kinh nghiệm từ hai người đàn ông đã chung giường vẫn còn đó, nên nàng mau chóng gạt họ ra khỏi tầm nhìn của mình. Chỉ coi nhau như bạn là đủ.


Xã giao của Nguyện là chơi trong nhóm bạn cùng hoàn cảnh, và gia đình cha mẹ các em… Cho dù biết các anh chị em không trọng mình, chỉ vì Nguyện không có một mái gia đình bình thường, nhưng Nguyện vẫn coi như không, bỏ qua để có sự suy nghĩ bình an.


Chỉ còn ba phút nữa là đến giờ, Nguyện quay đầu ngó ra bãi đậu xe gần đó coi có ai thân của mình đến không… Nhưng hoài công. Giờ khai mạc đã bắt đầu.

Nhìn con gái được gọi tên, được làm một trong 3 đứa  đại diện lên phát biểu cảm tưởng đến thầy cô, Nguyện cảm động sung sướng trào nước mắt… quên cả câu nói của người chị dâu mới tuần trước, làm cho Nguyện buồn lòng không ít: “Mấy đứa trẻ không có cha, thường hay hư hỏng phá làng phá xóm!!!”


Diễm Châu TNQG



Tác Giả  ╣►  (Authors)

Sáng Tác  ╣►  (Literature)