Nhng nhà văn đi qua đi tôi

Những nhà văn đi qua đời tôi – những nhà văn mà tác phẩm và cuộc đời của họ – đã làm rung động lòng tôi, tác động sâu xa đến tâm hồn tôi và theo đuổi tôi đến suốt một đời …

Thưở thiếu thời, nhiều khi đọc một bài thơ hoặc một tác phẩm mà không hề biết tên thật hay con người thật của tác giả – nhưng có những câu thơ hoặc một đoạn văn, ở lại rất lâu trong lòng tôi… sống với tôi, nổi trôi với tôi – qua những thăng trầm, vinh nhục của cuộc đời .

Như bài “Kẻ ở ngưỡi đi” trong quyển Quốc văn Giáo Khoa thư : “Vừa ra khỏi nhà, thì trong lòng tôi tự nhiên sinh ra buồn rầu vô cùng. Từ thưở bé đến giờ, chỉ quen vui thú ở nhà, nay tôi mới biết cảnh cảnh biệt ly là một !  Chân bước đi, mặt còn ngoảnh lại : từ cái mái nhà, cái thềm nhà, cái lối đi, cho đến bụi cây đám cỏ, cái gì cũng làm cho tôi quyến  luyến khác thường ! Thuyền đã nhổ sào, ai nấy đều chúc cho tôi thuận buồm xuôi gió, bình yên khoẻ mạnh. Thuyền đã đi xa, mà tôi còn đứng nhìn trở lại, nhìn mãi cho đến lúc không trông thấy nữa mới thôi. Ôi ! cái cảnh biệt ly sao mà buồn vậy!”

Đời tôi cũng trải qua nhiều cảnh biệt ly : Ôm gói quần áo bằng một đòn bánh tét, từ giã mẹ già dưới quê lên Tỉnh học – quải một cái túi xách nhỏ lên vai, quay lại nhìn những khuôn mặt yêu thương rồi lửng thửng bước đi .. lên đường nhập ngủ – rồi cũng một túi xách, lần nầy cũ rách hơn, nhìn lại ngôi nhà, nhìn lại những đôi mắt đẫm lệ… để buớc vào nhà tù cãi tạo… và lần sau cùng – quay đầu lại nhìn 2 đứa con gái đèo nhau trên chiếc xe đạp, lẽo đẽo theo sau tôi cho đến khi mất hút, tôi đứt ruột mà bước đi… để trốn chạy thoát khỏi cái Thiên Đưòng ảo tưởng nầy. Đời sao mà nhiều biệt ly như vậy ! Mỗi lần từ gĩã người thân yêu tôi thấm thía nhớ đến câu : ” Ôi ! cái cảnh biệt ly sao mà buồn vậy !”

Một đoạn văn ngắn ngủi . Lạ thay ! nó ở lại rất lâu trong lòng tôi cho đến bây giờ. Văn viết như thế quả thật là tuyệt ! Không biết chính ai là người đã viết ra, chỉ biết 3 người ký tên chung soạn quyển sách nầy. Nay ba vị đã đi vào lòng đất… Nhưng văn của họ vẫn còn sống trong lòng tôi – sống mãi cho đến khi tôi chết – và có lẽ cả về sau khi tôi chết . Về sau nầy- có lần tôi đọc đâu đó, mấy câu thơ tả cảnh biệt ly :

Có lần tôi thấy một bà già
Đưa tiễn con đi trấn ải xa
Tàu chạy lâu rồi bà vẫn đứng
Lưng còng đổ bóng xuống sân ga

Thơ nghe như những giọt nước mắt của bà mẹ già nheo mắt nhìn theo bóng con tàu đã đi mất hút… mà bà vẫn còn đứng đó , bóng ngã dài trên sân ga . Bà già đó có thể là mẹ tôi – mẹ của bạn tôi. mẹ của những Việt Nam bất hạnh… rưng rưng đưa tiễn con vào ngục tù cải tạo … hay bịn rịn chia tay con trên đường vượt biển . Năm 1979 – đau đớn thay ! một bà mẹ còn rất trẻ lúc bây giờ là mẹ của con tôi .

Hôm ấy, một ngày cuối tháng tám, trời âm u nhỏ từng giọt lệ .. bà đưa tiễn thằng con xuống miền Vĩnh Châu ( Bạc Liêu ), để ráp nối tàu lớn vượt biển tìm Tự Do :

Tháng tám âm u, trời nhỏ lệ…
Gió thu buồn run rẩy mấy hàng sao
Con thuyền lướt nhẹ trên giòng nước
Mẹ lén nhìn con, ngấn lệ trào .
….
Từ ấy con đi chẳng trở về
Đêm trường nghe tiếng gió lê thê…

Một chuyến đi định mệnh . Thằng con không bao giờ trở lại nữa !

Trong quãng đời dài – đó đây, tôi đã gặp những bài thơ buồn : Buồn thoáng qua,buồn man mác … Có khi xúc cảm đến ngậm ngùi ! Nhưng chỉ lần đứng dưới chưn tượng “Thương Tiếc” đã bị đập tan nát, ngó mông nhìn xa xa, những ngôi mộ hoang phế, cỏ dại mọc đầy, nằm im lìm dưới ánh nắng chiều vàng vọt – tôi thật sự thắm thía một nỗi buồn mênh mang và cảm nhận được tất cả sự phi lý của chiến tranh, cái hắt hiu của kiếp con người và cái đời khốn nạn của người lính chiến. Khi sống, phía trước mặt đối diện từng giây phút với cái chết – sau lưng, hình ảnh đói khổ của một bầy con nheo nhóc.. nhưng họ vẫn âm thầm chiến đấu cho người khác được sống, chiến đấu để đồng bào được yên ổn ở hậu phương. Còn biết bao nhiêu người lính khác tử trận,thân xác nằm vắt vẻo trên bờ giao thông hào hoặc được đồng đội vùi lấp sơ sài bên bìa rừng, cạnh giòng suối, con đê, rồi rút đi … Họ chết không có được một nắm mồ .Tên tuổi, không ai biết đến. Thi thể họ vùi sâu dưới lòng đất lạnh.Thời gian xóa mờ, người đời quên lãng. Nhưng :

“Họ là những anh hùng không tên tuổi
Sống âm thầm trong bóng tối mông mênh”
……
Và họ là những người :
Tuy công nghiệp không ghi trong sổ sách
Tuy bảng vàng bia đá chẳng đề tên
Tuy mồ hoang xiêu lạc dười trời quên
Không ai đến khấn nguyền dâng lễ vật
Nhưng máu của họ đã len vào mạch đất
Thịt cùng xương trộn lẫn với non sông
Và anh hồn chung với tấm tinh trung
Đã hòa hợp làm linh hồn giống Việt . “
Đằng Phương ( Anh hùng vô danh)

Thi sĩ Đằng Phương đã biết đến họ và còn làm cho người khác và nhiều thế hệ khác -biết đến họ – những vị anh hùng vị quốc vong thân . Dù mồ hoang xiêu lạc, dù sử sách chẳng ghi tên, nhưng máu của họ đã thắm vào lòng đất và linh hồn hòa nhập với núi sông thành hào khí muôn đời của dòng giống Việt . Thi sĩ Đằng Phương đã biến cái chết hào hùng của những chiến sĩ vô danh thành một bản anh hùng ca bất diệt, chói lòa muôn đời trong lịch sử.

Tác giả những câu thơ chân tình, hùng tráng ,dào dạt tình yêu thương dân tộc – ắt hẳn phải là người có lòng yêu nước thiết tha.. Người sĩ phu miền Nam đó, có lần đứng trên bờ sông Gianh trong tưởng tượng, chạnh lòng khóc cho nỗi bất hạnh của dân tộc Việt Nam:

“Đây sông Gianh, đây biên cương thống khổ
Đây sa trường đây nắm mộ trời Nam
Đây dòng sông, ngàn dân Việt thác oan
Đây cổ mộ, xương tàn xưa chất đống
Sông còn đây,hận phân ly nòi giống
Và còn đây niềm cốt nhục tương tàn”

 (  Đằng Phương – Hân sông Gianh)

Đau thương, bất hạnh cho dân tộc Việt Nam !  Huynh đệ tương tàn. Máu người vô tội loang loáng dòng sông. Đống xương vô định chất cao đầy núi. Trang lịch sử đã xảy ra trên 500 năm mà còn gây xúc cảm cho nhà thơ Đằng Phương gửi gấm tâm tư mình qua  những vần thơ thiết tha, đầy máu lệ..  Nhà thơ còn nghe được tiếng hô dõng dạc của 13 liệt sĩ, hiên ngang bước lên đoạn đầu đài trong ngày tang Yên báy:

“Việt Nam muôn năm – một đầu rơi rụng
Việt Nam muôn năm, người khác tiến lên
Và tử thần kính cẩn ghi tên
Những liệt sĩ vào bia tuẩn tiết
……………………………………
Trong nắng sớm,gió căm hờn quét mạnh
Như thề cùng tử sĩ anh linh
Vang dội cùng trên đất nước điêu linh
Những tiếng thét uy hùng vì giống Việt”

(Đằng Phương – Ngày tang Yên Bái )

Hùng tráng, bi ai ! Vừa thương cảm bồi hồi, vừa uất ức đau thương ! Đọc thơ mà nghe máu nóng trong người sôi sục..! 13 liệt sĩ đã được ghi tên trong sử sách. Ý chi bất khuất , Hào khí ngất trời ! lòng yêu nước sắt đá – đã làm cho quân xâm lược run sợ và nung nấu tình yêu quê hương đất nước của nhiều thế hệ ..

 Những vần thơ  trên đây đã gây một rung  động âm thầm và ở mãi trong tôi . Tuy không trở thành máu thịt,nhưng chập chờn như một cái bóng đi cạnh tôi suốt một đời.. Nó mang một ý nghĩa thiêng liêng như một tiếng gọi xa xâm của những người đã nằm xuống cho quê hương, nằm xuống cho người khác được sống… 

Đọc nhiều thi văn – qua những tang thương dâu bìển của cuộc đời – rồi trong những đêm vắng lặng một mình trước ngọn đèn khuya … tôi thử nghiệm lại lòng mình xem những vần thơ đẹp, những áng văn hay – có còn lưu lại một chút ý thơ hay một đoạn thơ văn nào trong lòng mình . Quả tình – sau trên 50 năm – mà tôi vẫn còn nhớ, còn thấm thía được ý thơ bi hùng, chan chứa tình thương những người chiến sĩ vô danh đã chết vì Tổ Quốc : “Họ là những anh hùng không tên tuổi ..Sống âm thầm trong bóng tối mênh mang“ . Và “Máu của họ đã len vào mạch đất.. Thịt cùng xương trộn lẫn với non sông”.  Một niềm thương cảm pha lẫn lòng biết ơn những tiền nhân vô danh đi xẻ núi lấp đồng sâu..những người đã nằm xuống… để bảo vệ Tự do,chống sự xâm lược từ phương Bắc và những người “ Cùng nhau cạn chén lên đường , chia gánh tang bồng quải bốn phương “ Và cuộc đời tranh đấu đầy vô định.. Tái ngộ mai đây được mấy người “. Dẫu biết ra đi là không hẹn ngày trở lại …nhưng vẫn hiên ngang quải gánh lên đường, ngất ngưởng hào hùng như người tráng sĩ thời trung cổ : “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi “.  

Hơi thơ bàng bạc, mênh mang, thấm đậm nét bi hùng khiến cho người đọc liên tưởng đến những chiến sĩ vô danh đi trong bóng tối âm thầm , những người lính chiến nằm dưới giao thông hào lạnh lẽo …hay xông pha dưới làn tên mủi đạn –  nhưng người yêu nước bôn ba khắp 4 phương trời , đề tranh đấu không phải cho bản thân họ mà cho  Tự Do dân tộc, cho quê hương thanh bình, đồng bào ấm no hạnh phúc… Cao quý biết chừng nào ! Trời ơi !  Ước gì tôi được gặp người đã viết nên những vần thơ ấy.   

Và cuối năm 1969  – bất ngờ, tôi gặp nhà thơ Đằng Phương trong ghế diễn giả trước một cử tọa gồm toàn những nhà chính trị tiếng tăm,những giáo sư khoa bảng, những trí thức học có học vị cao cấp, những người đang giữ những chức vụ trong guồng máy chính quyền VNCH . Ngày ấy- tôi được biết nhà thơ mà tôi hằng ái mộ – chính là gíáo sư Nguyễn ngọc Huy – Tiến sĩ chính trị học, đại học Sorbonne Pháp và còn là một nhà hùng biện có trí nhớ vô song, có tài ăn nói thao thao bầt tuyệt, lôi cuốn thính giả im lặng ngồi nghe trong suốt 4 tiếng đồng hồ liên tục mà không ai muốn đứng dậy đi ra ngoài…

Con người tài hoa đó còn là :       

– một lý thuyết gia thuyết DÂN TỘC SINH TỒN – một kết tinh từ sự san định, bổ túc và hệ thống hóa chủ nghĩa dân tộc sinh tồn của Trương tử Anh .

– Một nhà đấu tranh không mệt mỏi : Xả thân vì chính nghĩa, suốt đời hy sinh tranh đấu cho Tự Do, Dân Chủ cho đến phút cuối cùng của cuộc đời.

– Một tấm lòng yêu nước thiết tha : Đi làm cách mạng năm 21 tuổi, suốt đời bôn ba đây đó, hiến dâng trọn vẹn đời mình cho Tổ Quốc Việt Nam .

– Một học giả uyên thâm : Tinh thông cả 3 thứ tiếng Pháp,Anh,và Hán văn. Đã viết nhiều bộ sách giá trị : Dân tộc sinh tồn , Một chiến lược mới,  Perestroika bằng ( Anh,Pháp Việt ),Quốc Triều Hình Luật, Phê bình nhân vật Tam Quốc và Đông Châu Liệt Quốc, Lịch sử các học thuyết chính trị, Lịch sử tranh đấu cho Độc Lập và Tự Do của Dân Tộc Việt Nam thế kỷ 19 , tập thơ Hồn Việt, các ẩn số chính trị trong tiểu thuyết Kim Dung, Pour une nouvelle stratégie de la défense du monde libre contre l`expansion communiste và quyển “ The Le Code : Law in traditional ViêtNam . Cùng với giáo sư  Stephen Young – quyển Understanding ViêtNam .              

– Một nhà cách mạng chân chính : Nhờ tài năng , đạo đức và lòng yêu nước thiết tha, cả cuộc đời dâng hiến cho quê hương, ông đã đánh động được lương tâm của hàng trăm chính khách và lãnh tụ quốc tế, ủng hộ Phong trào chính trị của ông  tại hải ngoại . Điều mà mọi người kính trọng – kể cả những người bất đồng với ông – là suốt đời tranh đấu, ông không hề đả kích đoàn thể bạn, không bôi bác, nói xấu,chụp mủ những người cùng chiến tuyến . Khi bị đánh phá, ông chủ trương: “Không đánh trả,  chỉ chịu đựng và thuyết phục.”

Trong những   tác phẩm trên – tác phẩm đắc ý nhứt là bản dịch “Perestroika”ra đời khi chủ nghĩa cọng sản bắt đầu sụp đổ.. và tác phẩm có giá trị quốc tế, gồm 3 tập , 1200 trang :” The Le Code : Law in traditional VietNam” do Viện Đại học Harvard xuất bản năm 1987 . Giá trị tác phẩm được nhiều học giả viện Đại học Harvard công nhận- trong đó có giáo sư Alexander Wooside – một học giả thượng thặng vê Việt Nam thuộc Đại học Harvard đã viết : “ One of those very rare works about Vietnam that may claim to be definitive . This is undoubtedly the most important single achievement scholarship to come thus far from the rank of Vietnamese intellects exiled from Vietnam since 1975 . It also represents a significant landmark in Vietnam Western cultural relations ( Pr Alexander Wooside – Harvard ) : (Đó là một trong vài cuốn sách rất hiếm về Việt Nam có gia trị toàn hảo. Chắc chắn đó là thành  tích học thuật quan trọng nhất xuất phát từ hàng ngũ trí thức lưu vong ở hải ngoại sau 1975. Đó cũng là tiêu mốc đầy ý nghĩa đánh dấu kỷ nguyên mới trong tương  quan văn hoá Viêt Nam và Tây Phương .      

Giáo sư Douglas Pike của Đại học University of California ,cũng không tiếc lời khen ngợi tác phẩm  “Law in traditional VietNam “ : “ Đó là một tác phẩm học thuật Viêt Nam đáng kính nể nhất trong thập niên qua“( The most impressive piece of vietnamese scholarship in the past decade  .) Tiến sĩ Tạ văn Tài ( 1 ) xuất thân từ Đại học Harvard cùng làm việc chung với giáo sư Nguyễn ngọc Huy- đã phải thốt lên : “ Giáo sư Huy là một học giả giỏi nhất tôi đã gặp“. 

Và tiếng vang trong Cộng Đồng Người Việt hải ngoại, trên diễn đàn chính trị thế giới không lấy gì làm lạ bằng việc coi trọng tác phẩm trên của Viện Sử học Cọng sản Hà Nội.  Ông Nguyễn văn Tạo trả lời Giáo sư Oliver Oldman một cách trang trọng:“ Cám ơn giáo sư – chúng tôi sẽ giới thiệu cuốn sách nầy trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử của chúng tôi“( Tài liệu đã dẫn ). Ý nghĩa lớn lao nhứt Luật Pháp đời Lê Việt Nam – theo giáo sư Tạ văn Tài : “ Có thể là một giải pháp dung hòa giữa 2 nhu cầu “Ổn định và Dân chủ“trong một nền Dân Chủ Pháp Trị tương lai cho Việt Nam.

Dâng hiến trọn đời cho quê hương dân tộc, Giáo sư Nguyễn ngọc Huy trải qua cuộc sống gia đình thật hẩm hiu :

“Eó le thay,muốn phụng sự quê hương
Phải dẫm nát lên bao lòng mình kính mến”

Vợ chết vì một tai nạn tại Vũng Tàu . Đứa con trai út,mồ côi mẹ từ thưở bé, bên mình không có một người thân. Thường xuyên sống trong cô độc, lại nghe cha mắc bệnh nan y – đã mất mẹ rồi bây giờ lại sắp mất cha … cháu Khánh Thụy, trong một phút cực kỳ đau khổ – đã quyên sinh tìm đường về bên mẹ.. Giáo sư Huy tự thán :

“Việc nước đa đoan,bỏ việc nhà
Trong khi lưu lạc góc trời xa
Để con đau khổ trong cô độc
Ba đã không tròn nhiệm vụ cha”

Mấy mươi năm trước – ông đã phải gạt lệ tiễn đưa người bạn đời ra đi…về miền vĩnh cữu – cõi lòng tan nát, chán chường :

“ Từ lúc Thu đi chẳng trở về
Cuộc đời trống trải lạnh lùng ghê
Trong lòng đã hết còn sinh thú
Chỉ thấy u buồn với chán chê”

 Để rồi :

“ Đành phải từ đây chỉ một mình
Trên đường nhiệm vụ rộng mênh mông
Một mình nếm hết mùi cay đắng
Trải hết vui buồn với nhục vinh”

 Nhà ái quốc Nguyễn ngọc Huy đã ra người thiên cổ.  Nhà thơ Đằng Phương cũng vĩnh viễn ra đi .. Những tiếc thương kính phục xuất phát từ hàng ngũ chiến hữu, môn đệ , những đoàn thể chính trị, những nhà cách mạng lão thành, những chính khách đồng hành, những học giả ngoại quốc . Đã đành . Nhưng sự tiếc thương, kính nể xem như một tấm gương ái quốc cho đời – còn thoát đi từ hang ngũ chống đối,bất đồng như cựu Nghị sĩ Phạm nam Sách trong bài :“ Suối tuôn giòng lệ “: Tiếc thương dào dạt,pha niềm ân hận chẳng phai,mong anh mỉm cười nơi suối vàng , hổ trợ kẻ còn lại đi nốt con đường lận đận mà anh đã đi trong những ngày còn lại ở dương trần nầy “

Hoàng Đế của Đệ nhứt siêu cường – Tổng Thống G.Busch cũng bày tỏ lòng ngưỡng mộ sâu sắc : “ Professor Nguyen ngoc Huy left behind a distingued record of service to the people of Viet Nam  and of United states which will serve as an exemple for futur  generation“. Dân biểu David Kilgour của Quốc hội Canada xem ông là “ Một Gandhi Việt Nam “ Giáo sư Cao thế Dung không dấu giếm :  Tôi rất khâm phục giáo sư Huy về sở học uyên bác, ông quả thật là một hào kiệt hiếm quý, một hào kiệt văn hóa. Cái tâm của giáo sư Huy rầt lớn – tuy lúc nào cũng ẩn dấu trong cái phong cách khiêm cung bình dị nhưng tràn đầy tình người và tình dân tộc“ . 

Nhà thơ Đằng Phương đi qua đời tôi bằng những vần thơ bi hùng, dạt dào tình yêu quê hương … và ở lại mãi trong tôi cho đến bây giờ. Lời thơ chân thực, không màu mè, sáo rổng, nhưng có sức lôi cuốn kỳ lạ, có  tác động khơi dậy  lý tưởng và tình yêu nước trong lòng người và trong nhiều thế hệ thanh niên . Và bằng một cuộc đời đấu tranh dâng hiến trọn vẹn cho quê hương dân tộc – thơ ông là một bản bi hùng ca, thể hiện trọn vẹn cưộc đời ông – một cuộc đời gian khổ, bôn ba khắp bốn phương trời, hy sinh cả bản thân và gia đình. Đối với mẹ già :“ Nhưng đất nước chưa qua hồi tang tóc.  Phải nghiến răng  cắt đứt mối thâm tình “( Thơ tạ tội với mẹ già). Đối với con : “ Trong khi lưu lạc góc trời xa.. Để con đau khổ trong cô độc Ba đã không tròn nhiệm vụ cha.“

Suốt đời làm cách mạng nhưng chưa bao giờ gặt hái được thành quả cách mạng :“ Nửa đời nếm đủ mùi cay đắng. Giấc mộng ngày xưa vẫn chửa thành“(Xuân cảm)-con đường cách mạng đầy sóng gió nhưng vẫn bền gan chiến đấu, không lùi bước :“Trong gian truân, cố chuyển lại cơ trời .Giữa đám sâu, mưa máu rộn tơi bời . Vẫn thẳng tiến, không rời đường cách mạng“ (Anh hùng đất Việt )– Nhà thơ cách mạng Nguyễn ngọc Huy, đành mang một giấc mộng chưa thành đi vào lòng đất ..      

Ô hô ! Một vì sao đã tắt
Tài năng không chuyển nổi cơ trời
Hồn thiêng sống mãi cùng sông núi …
Gương cách mạng ngàn năm lòa nhật nguyệt
Tiếng anh hùng muôn thưở rực trời Nam .

Nhà thơ Đằng Phương đi qua đời tôi trong sự thương tiếc khôn  nguôi, trong tiếng khóc thầm uất nghẹn ! Tôi thật sự yêu thương con người tài hoa đó, yêu thương cuộc đời  và những vần thơ rung động, chan chứa tình yêu quê hương  dân tộc. Và tôi cũng yêu  tiếng kêu bi thương của một giấc mộng không thành, tiếng thét uy linh của một mối căm hờn thiên cổ… Anh linh nhà thơ Đằng Phương chập chờn đây đó trên khắp quê hương Việt Nam .. để cất lên tiếng kêu tuyệt vọng  của con chim Đổ Quyên mòn mỏi trong đêm khuya  : 

“Thiết tha một mối căm hờn
Ai xui vận nước từng cơn đọa đày
Cơ trời anh đã xuôi tay
Như con chim quốc lạc loài kêu sương”

(Nguyễn thế Giác)   


LÊ  QUỐC



Sáng Tác  ╣►  (Literature)