Tùy Bút

NHỮNG NĂM THÁNG CUỐI ĐỜI…   

 Lê Quốc


Tôi về thăm lại dòng sông cũ
Đám cỏ bên bờ đã rách tưa
Bìm bịp kêu chiều buồn rũ rượi

Nắng tàn vàng vọt rụng lưa thưa…


Những ngày tháng cuối đời: Tương lai như cuồn chỉ tháo ra… gần hết. Hiện tại thì bệnh tật bên trong âm ỉ, bên ngoài bũa vây. Đành trở về quá khứ, vớt vát tìm chút sinh lực cho sự sống tuổi già, mặc cho ngọn đèn cạn dầu leo lét… Do đó :

Tôi buông thả cho ngòi bút lang thang khắp nẻo đường xưa, lối cũ - những nơi mà tôi đã đi qua – rồi lặn sâu xuống mấy tầng ký ức, để tìm lại vài kỷ niệm buồn vui trong những tháng ngày phiêu bạt giang hồ …

  1. QUÊ TÔI: CHIỀU VỀ TRÊN DÒNG SÔNG CỬU: Tôi yêu những giọt nắng chiều trước khi hoàng hôn tắt. Giọt nắng mong manh, vàng nhạt, mỏng như sương khói, ngập ngừng bịn rịn như chưa muốn chia tay với những phút giây cuối cùng của một ngày tươi đẹp.

Trong khoảnh khắc giao thoa giữa trời và đất, ngày và đêm, nổi lên tiếng mõ trâu buồn bã, tiếng thở phì phò của con trâu già mệt nhọc lê từng bước chân ột ệt trên cánh đồng ngập nước, trở về chưồng. Trong bụi rậm, tiếng con chim “quốc” mất bạn, khắc khoải kêu than, tiếng con tắc kè thỉnh thoảng nện vào không gian từng tiếng kêu khô khốc, cô đơn, ngoài cái miếu hoang đầu làng. Tận chân trời, những sợi khói trắng lãng đãng trên nóc nhà ai đang thổi cơm chiều. Khoảnh khắc thời gian cùng những tiếng động xung quanh, không có tên gọi. Chỉ biết rằng tôi nhớ nó lắm, nhớ đến thắt thẻo ruột gan, mỗi độ chiều về trên mấy cây phong sau nhà.

Chao ôi ! rồi đến cảnh quê tôi mùa nước nổi: Dù xa cách muôn trùng, thời gian diệu vợi, dù nằm sâu dưới lớp bụi thời gian, những buổi chiều cuối thu lạnh lẽo, trời đất mịt mù, gợi nhớ quê hương lúc hoàng hôn, mưa rơi tầm tã, nước dâng tràn ngập ruộng vườn. Âm thanh “ nhắc nhen, nhắc nhen”của đám nhái bầu hoà lẫn tiếng “uềnh oang”của loài ểnh ương trong cánh đồng trầm thuỷ sau nhà, tạo nên khúc nhạc buồn hơn “Tristesse” của Chopin, thê thiết hơn khúc Symphony “Fur Elise “ của Beethowen.


2.- NỖI BUỒN MAN MÁC : Những người quen, những người chỉ quen trên mạng, không quen ngoài đời, cở tuổi như người viết, trước cuồn chỉ đời đoạn cuối, bất giác cảm khái như nhà văn Khuất Đẩu:

Ngày sẽ hết, tôi sẽ không ở lại
Tôi sẽ đi, dù không biết đi đâu”

Khuất Đẩu

Khuất Đẩu không biết đi đâu,

Đón chuyến tàu đêm, tối mịt mờ

Xuống đò thiên cổ, bước bơ vơ ”                                                                                                          Lê Quốc

Mười mấy năm về trước, tôi tiễn thằng bạn nối khố cùng lớp

Hôm qua, trong đám bạn bè xưa
Mấy thằng còn lại buồn không nói
Uống rượu say rồi khóc tiễn đưa ”…

 Lê Quốc (khóc Nguyễn thanh Liêm)

Năm 1979 - nỗi đau xé ruột còn được  nhân lên gấp bội lần khi tiễn biệt thằng con lên đường tìm Tự Do:

Tháng tám âm u, trời đỗ lệ
Chiều thu hiu hắt,  gió lao xao
Con thuyền lặng lẽ xuôi dòng nước
Mẹ lén nhìn con, ngấn lệ trào.
           ……
Từ ấy, con đi không trở lại
Đêm vắng trời khuya gió não nề!

Thằng con ra đi không kịp nói lời vĩnh biệt…Thân thể bị vùi sâu giữa lòng đại dương thăm thẳm. Nỗi buồn không nói được bằng lời. Không còn nước mắt để khóc…                                                                                                                                                                                                                     

Nhìn lại đàn anh - nhiều người đã từ giã cuộc đời, đàn em cũng có người ra đi.  Phía trước, phía sau, trái phải, đều có người đã từ giã cuộc chơi, tiêu dao ngày tháng nơi nước Nhược non Bồng. Phía trước không ai, phía sau vắng vẻ.  Bỗng có cái cảm giác của Trần tử Ngang, khi lên U Châu Đài ngẫm nhìn thế sự:

Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất kiến lai giả
Niệm thiên địa chi du du
Độc sản nhiên nhi thế hạ
 »

Trần trọng San dịch:

Ngoảnh lại trước : Người xưa vắng vẻ
Trông về sau, quạnh quẽ người sau

Ngẫm hay trời đất dài lâu
Mình ta rơi hạt lệ sầu chứa chan!”

 

Cuộc đời là vô thường, ngắn ngủi, phù du! Ai cũng biết, ai cũng nói. Phật cũng có hàng ngàn trang sách. Chúa cũng để lại trên thánh kinh muôn lời răn dạy. Cõi thọ đời đời, cõi vĩnh hằng, miền cực lạc, có hay không, không ai biết. Chúc linh hồn người chết được tiêu diêu miền lạc cảnh là để an lòng người sống. Thật ra anh linh người chết về đâu, cũng lờ mờ không ai biết. Dưới  trần thế, con người muôn thưở vẫn tham sân si, vẫn ngút ngàn tham vọng. Chiến tranh chưa có thể chấm dứt bao lâu con người còn tham vọng. Mà con người, dường như ai cũng có tham vọng. Cho nên, chiến tranh cơ hồ như không bao giờ chấm dứt dưới trần thế nầy. Hãy nhìn thế giới, lúc nào và nơi đâu cũng có chiến tranh : chiến tranh nhỏ, lớn, chiến tranh cục bộ, chiến tranh toàn diện,  chiến tranh lạnh, cuối cùng : thế chiến. Hỡi ơi! những kẻ độc ác, lòng đầy tham vọng, sao chưa ngừng nghỉ bàn tay đầy máu người dân vô tội ?! Người dân đâu cần đệ nhứt siêu cường. Người dân chì cần cơm no áo ấm và không khí tự do để thở. Mấy ngàn năm nay, chưa bao giờ có hoà bình. Phật, Chúa, Mohamed đều thất bại ! 

Ngòi bút đưa tôi đến một vùng trời  mà tôi đã nhiều lần đi qua, nhưng lần nầy dừng lại khá lâu để  nhìn kỷ :

 

3.- BỨC TƯỢNG THƯƠNG TIẾC TẠI NGHĨA TRANG BIÊN HOÀ

Buổi chiều tắt nắng. Tôi dừng lại nghĩa trang, bước lên mấy bậc tam cấp, đứng dưới chân tượng « Thương Tiếc » tại cổng Tam quan, nhìn xa hơn và cao hơn một chút,  là «  Đài Tưởng Niệm », kế đến là  « Nghĩa dũng Đài » phảng phất chút khói nhang của ai đó vừa rời khỏi Nghĩa Trang.

Nhìn xa xa, hàng hàng lớp lớp ngôi mộ thẳng tắp, trắng xoá, núp sau những cây thánh giá lố nhố, bao phủ một màn sương khói lờ mờ…Trời chiều vắng lặng. Bóng tối nhá nhem phủ lên nghĩa trang một màu âm u buồn thảm.

Tôi nhìn lên bức tượng đồng đen màu xám xịt, lổ đổ vài vệt sáng yếu ớt của một ngày sắp hết. Người chiến sĩ, súng cầm tay để ngang trên đùi, nón sắt, giày trận, ba lô, quân phục biệt động quân uy nghi … Đôi mắt u buồn  ngó mông về phía xa xâm như để nhớ thương đồng đội hàng hàng lớp lớp đã nằm xuống ngoài kia và cũng như đề  nhớ lại thời oanh liệt oai hùng, trong những trận chiến lưu danh thiên cổ : “An Lộc địa, sử ghi chiến tích  Biệt kích dù, vị quốc vong thân” .          

 

Trời nhá nhem tối, ngó lên bức tượng, tôi có cảm giác như đôi mắt đang nhìn tôi - đôi mắt có thần, phóng những tia nhìn như người sống. Đôi mắt ấy bỗng như lay động nhìn chòng chọc vào tôi. Tôi cảm thấy một luồng khí lạnh chạy dài trên xương sống…Toàn thân tôi ớn lạnh, sợ sệt. Tôi lùi xuống bậc tam cấp, suýt vấp té. Tôi định thần nhìn lại mới biết đó chỉ là ảo giác.  Tôi nhớ lại, người ngồi làm mẫu cho điêu khắc gia Nguyễn thanh Thu, là hạ sĩ Võ văn Hải và cũng là người ngồi một mình trước 2 ly rượu : Một cho anh – Một cho một đồng đội vừa tử trận, xác còn nằm đó. Anh vừa uống vừa lầm thầm trò chuyện với xác chết của đồng đội của anh tại nghĩa địa Hạnh thông Tây Gò Vấp. Đại uý Nguyễn thanh Thu chứng kiến cảnh nầy, xúc động, tìm cách tiếp chuyện với anh lính, nhưng được trả lời bằng sư im lặng…vì không muốn ai quấy rầy mình trong giây phút thiêng liêng nói chuyện với người chết.

Về sau, khi trình 6 dự thảo bức tượng cho T.T Thiệu, còn một dự ảnh vẽ trên bao thuốc lá mà anh rất tâm đắc nhưng không dám trình lên T.T,  vì sợ bị cho là bất lịch sự. Nhưng T,T Thiệu là người lịch lãm tế nhị bảo dưa cho Ông xem. Quả tình đó là một dự thảo phát xuất từ sự rung động âm thầm của điêu khắc gia Nguyễn thanh Thu trước cảnh hạ sĩ Võ văn Hải khóc cho đồng đội vừa nằm xuống.

Và hạ sĩ Võ văn Hải được dùng làm người mẫu cho Điêu khắc gia Nguyễn thanh Thu. Bức tượng là một sự hoà hợp giữa tấm lòng hạ sĩ Võ văn Hải khóc thương người đồng đội cùng với nỗi cảm thông sâu sắc, sự rung động thầm kín của người nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn thanh Thu và sự hiểu biết của người lãnh tụ VNCH. Cả 3 sự cảm nhận tận cùng đó cọng với tài năng của người nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn thanh Thu, tạo nên một công trình nghệ thuật : Bức tượng Thương tiếc để đời cho hậu thế.

Vận nước đến hồi bĩ cực - Miền Nam bị bức tử. Bức tượng Thương tiếc bị giật sập.  Thiếu tá Nguyễn thanh Thu bị 8 năm tù cải tạo. Ông tâm sự :“ Cũng vì bức tượng quá nổi tiếng mà cuộc đời tôi cũng gần như muốn chết theo bức tượng trong những ngày tù tội, tôi bị đánh đập nhiều, và đánh vào chỗ hiểm nên lỗ tai trái tôi bị điếc hẳn luôn đến giờ. Sau 8 năm cải tạo, tôi được qua Mỹ định cư 15 năm ( 1989-2004), tôi trở về Việt Nam cho tới bây giờ. Ông còn tâm sự với 3 người bạn đến thăm: « Tôi làm tôi chịu. Tàu chìm, tôi chìm theo. Máy bay rớt, tôi rớt theo.Tượng chết tôi chết theo, chứ tôi không đỗ cho người khác được”.

“Có người hỏi mua, nhưng tôi nhứt định không bán, vì đó là kỷ niêm của đời tôi”. Sức khoẻ tôi bây giờ yếu lắm sau một cơn bạo bệnh.”( Nguyễn Chính - cuộc viếng thăm tại nhà Điêu khắc gia Nguyễn thanh Thu tại Việt Nam )

Tôi về nhà, suốt đêm trằn trọc không ngủ được. Nét mặt trầm lặng của bức tượng với đôi mắt u buồn  nhìn về phía xa xâm như tiếc thương đồng đội, như hờn trách ai đã gây ra cuộc chiến tranh xâm lược. Chính nghĩa bao giờ cũng đứng về phía người tự vệ.  Chế độ nào – dù nhân danh mỹ từ cao đẹp đến dâu – mà gây ra cuộc chiến xâm lăng - đều là phi nghĩa. Huống chi một lãnh tụ không giấu diếm : “ Ta đánh miền Nam là đánh cho Liên Xô và Trung Quốc”. Câu nói nầy tự nó nói lên sự xâm chiếm đất nước VNCH là phi chính nghĩa. Mấy triệu sanh linh 2 miền Nam Bắc , đều là nạn nhân đáng thương của một tham vọng ngông cuồng. Hỡi ơi ! Bức tượng Thương Tiếc, hạ sĩ Võ văn Hải và điêu khắc gia Thiếu Tá Nguyễn thanh Thu vẫn sống mãi với lịch sử nghìn năm của hậu thế.  

Tôi lặn sâu xuống mấy từng ký ức, để tìm lại những người bạn năm xưa cùng viết cho tập chí Nghệ Thuật của nhạc sĩ Lê Dinh và tôi đã gặp ngay:

 

4.- HỒ ĐẤC VŨ : Bỏ qua những chức vụ, công tác, việc làm của anh thời VNCH - chỉ đề cập đến khía cạnh văn chương chữ nghĩa của nhân vật nầy : Đời sống phóng khoáng, hào sảng - sành ăn, cùng Trường Kỳ cũng nổi tiếng về sở trường lục lạo tìm món ăn ngon. Anh có một văn phong độc đáo – văn phong mà khi đọc đến là biết ngay là của Hồ Đắc – tương tự  như văn phong Tưởng năng Tiến, Hồ biểu chánh, Vương hồng Sển. Dù đọc đến thiên kinh vạn quyển, cũng không thể lầm với một tác giả nào khác.

 

Văn phong HỒ ĐẮC VŨ :

* “Nhổ hành lá” : “ Vào mùa hè, mỗi sáng sớm, có xe đưa rước thẳng xuống nông trại, lấy thùng, đeo bao tay,nhào vô nhổ, làm được bao nhiêu, ăn bấy nhiêu, trả tiền mặt, sòng phẳng rõ ràng…” ( 10 sự việc, tóm gọn thành một câu). ( “ Và tôi cười khóc - Chuyện chó, trang 7” )

* “ Casino”  : “ thay vì coi ngó, chuyên chở, bao thầu cho tụi tui nhổ hành lá, thì hai người nhào vô casino, đem vốn liếng nhổ chip Ru- lét, hái Xì - Dách , và tất nhiên như những con bạc khác, hai anh chị cháy túi, buồn tình bỏ về tỉnh nhỏ làm ăn để quên đi cái lỗi lầm lớn…” ( Cũng như trên, 12 sự việc tóm gọn thành 1 câu)( sđd , trang7)           

* Tán cô Đầm : Giăng bẫy lớn : “Tôi ( Hồ đắc Vũ )ba xạo nói mình là nhân viên tình báo - một nhân vật then chốt trong chiến trường Việt Nam  - cô đầm nhìn tôi ngưỡng mộ - con cá đã cắn câu – cô đầm nhìn tôi ái ngại sợ tình báo đối phương ra tay, nguy hiểm cho tôi, cô đầm mời tôi về nhà , cô ôm sát tôi sợ tình báo CS rình rập xung quanh ám hại tôi. Về nhà, “ em có đủ hết, em mời anh ăn tối có caviar, steak Kobe hảo hạng. Tụi mình vui một đêm. Em khoái cưng quá ! Tôi sướng run cả người”. Vậy là con cá Tây nuốt trộng cả cần câu lẫn lưỡi câu của tôi. Tôi đứng dậy trả tiền, ôm cô đầm đi ra tinh bơ, bỏ lại sau lưng tiếng cười khúc khích.”.

“Cô đầm ôm lấy tôi, đôi môi ướt át, người mát rượi, mùi dầu thơm, mùi da thịt đàn bà làm tôi mờ mắt, run chân, cái Nam Nhi của tôi vùng lên… tôi đẩy cô xuống giường : Ư! Á! Ư.. Ư Ứ! ôi !          Ủa ? chết cha! Rầm! Crac ! hự ! bịch!”

Trong vòng một giây đồng hồ, tôi choàng dậy, phóng xuống 5 tầng lầu, chạy tuốt ra cửa, núp ở góc nhà, mặc lại cái áo… cũng may là chưa cởi cái quần”. Trời ơi ! Nó là thằng lại cái”.  ( Và tôi cười khóc - Đi lạc, trang 32)                                                                                                                                     

Tôi nhớ Hồ đắc Vũ - nhớ cái văn phong độc đáo. cái hư cấu ly kỳ, đối thoại hấp dẫn  nhứt là cái tóm gọn nhiều sự việc trong một câu có ý nghĩa. Hồ đắc Vũ ơi ! Cuộc sống của anh bây giờ chắc là phong lưu lắm! phong lưu như con người của anh.  Có về Mộng lệ An ghé thăm Trưởng lão cái bang và anh em của tờ Nghệ Thuật ngày xưa.  Thôi !  Nhớ nhau vẫy bút làm mưa gió – Cho đoá hoa đời được nở hương.

 

Rồi cuối cùng, tôi tìm ra được:

 

5.- KIỆT TẤN . -Xin dừng hiểu thấy sang bắt quàng làm họ hay mặc áo thụng vái nhau. Cả hai, tôi đều rất kỵ . Vậy mà bây giờ, tôi viết về anh – tôi cũng bỏ qua mấy thứ lỉnh kỉnh như cùng  học một trường ( trường lá), một lớp. một thầy, đi và về cùng một con đường ( đường Võ Tánh ) ở tại tỉnh Vĩnh Long. Tôi viết về anh vì thấy anh có một văn phong khác người :                                                                                   

               - Không giống ai : Rất ít chuyện hư cấu trong văn chương anh, tất cả cốt truyện đều là truyện thật, không e dè, tránh né những điều cấm kỵ (tabou) trong chuyện anh viết. Nói toạt móng heo, nói như một bức hình chụp, nói đúng, viết đúng như tự nó có, không thêm thắt, màu mè, khách sáo. Có khi anh trào lộng một câu thơ khiến người đọc không bao giờ quên : «  Thơ ông em đọc sau hè. Mỏi lưng ngồi xuống em tè ông coi ».

                                                    

               - Những chuyện anh làm, những tên anh viết đều là THẬT. Ngay cả tên phu nhân của anh tên ÁNH,  cũng là tên THẬT Tên những người phụ nữ trải qua đời anh như Diane, Tuyết , Louise, Danyèle v.v…đều là tên thật ( “ Thương nàng bấy nhiêu, trang 82, trang 112 ”); “ Em điên xoả tóc” “Em yêu xứ tuyết”; “Đêm cỏ Tuyết”; “Người em Xóm Học v.v… đều là tên THẬT, người THẬT, việc THẬT và ngùn ngụt nhục cảm.

 

            - Đam mê đàn bà : KT nói : “Tôi  ghiền đàn bà như ghiền ma tuý. Tôi đến một thành phố lạ nào, việc đầu tiên của tôi là đi tìm đàn bà…… Tôi cần có sự hiện diện của người đàn bà. Không có nàng, tôi thấy đời sống trống rổng mênh mông, hoang vu dễ sợ.(  Kiệt Tấn  «  Thương nàng bấy nhiêu » ).

Bao nhiêu đó cũng đủ để nói lên cái Thật, cái táo bạo, dám sống và dám viết, dám đi sâu vào vùng cấm địa( tabou) của đạo đức – vùng mà xưa nay các cây bút khác đều e dè tránh né.

Nguyễn mộng Giác viết về Kiệt Tấn : Kiệt Tấn đã sống hết mình và viết cũng hết mình. Khi sự chân thành đã đến độ giống như một sự khoả thân trước cuộc đời cộng với tài năng, ắt thành nghệ thuật.                       

Đoàn nhã Văn cũng không tiếc lời với Kiệt Tấn : «  Ở Ông hừng hực một ngọn lửa : dám sống hết mình, dám viết tường tận về những điều mình sống, đặc biệt là dám đẩy ngòi bút mình vào những vùng cấm kỵ, để rồi trở thành một hiện tương văn học : Hiện Tượng Kiệt Tấn » ( Đoàn nhã văn ).

Nguyễn mạnh Trinh : «  Viết là một cách sống. Nhưng ở Kiệt Tấn, viết là một cung cách sống hết mình và ông không thấy điều gì khiến mình giới hạn không gian và thời gian của mình. Giữa biên giới của dung tục thô thiển và phóng khoáng,  không câu thúc- giữa tính dục và tình yêu, với ngôn ngữ diễn tả có phong cách riêng - vẫn nổi bật một chân dung nghệ thuật.

Và nhà phê bình văn học Nguyễn hưng Quốc : «  Tôi tin Kiệt Tấn. Tôi ít tin nhà văn nào như tôi đã tin Kiệt Tấn.     Ờ những nhà văn khác, tôi thấy sự tài hoa. Ở Kiệt Tấn, tôi vửa thấy tài hoa vừa thấy sự thành thật.

 

Còn rất nhiều nhà văn, nhà phê bình - với nhận xét khác nhau – nhưng tất cả đều có chung một ý tưởng : Kiệt Tấn viết thật, sống thật,  thật đến cả những cuộc tình mà  KT đã sống qua - và dám xông thẳng vào vùng kiên kỵ của đạo đức. Nhưng tất cả những sự thật, những điều kiêng kỵ, đều nổi bật lên một chân dung của nghệ thuật. Anh không cần tôi viết nhưng tôi vẫn thấy có một sự thôi thúc để viết về anh như một niềm hãnh diện có được một nhà văn miền sông nước phù sa. Mừng cho anh có một chỗ đứng vững chắc  trên văn đàn hải ngoại.