Tùy Bút
Về Miền Quá Khứ
Kính tặng ông Đinh Quang Lượng (Genève)
Ông nhìn Uyên mỉm cười, nụ cười của một cụ ông chín mươi ba tuổi vẫn mát dượi, dịu dàng và như có vị ngọt, ánh nhìn của ông vẫn tinh khôn, linh hoạt, vẫn dí dỏm … xa xôi. Hèn gì …đã có đến hơn một tá người những con gái yêu ông say đắm… ngày ông còn là “cậu giáo”. Những cô gái “Thượnng” những cô gái “Kinh”. Ông đã từng đua ngựa với cô gái đẹp nhất vùng núi, mà nụ cười quyến rũ và cái tên “Sìn May” mật ngọt còn như thấm vào hồn ông đến tận cuối đời, rồ̀i những cô gái Kinh thắm má đào … vấn tóc đuôi gà còn như đang e lệ che dấu nụ cười đen láy.
Toàn là những hình ảnh diễm lệ của dĩ vãng… nhưng vượt lên trên những hình ảnh ấy, là hình ảnh một người nữ “Hoa nhường nguyệt thẹn” vầng trán trinh trong tinh tuyền như vì sao Mai. Bàn tay búp măng thon nhỏ chứa đầy ơn phúc, trái tim ấm áp mà đợt sóng tình bao la như biển cả. Đó là đức nữ trinh Maria.
Nghĩ đến Đức Maria, cụ ông cảm nhận toàn thân run rẩy, môi miệng chỉ còn biết nói lên lời cảm tạ, ngợi khen lòng từ ái Mẹ đã thương đến cụ, người con tội lỗi cuả Mẹ. Người con đã hơn một lần bị sắc đẹp trần gian lôi cuốn vào vòng ái ân …. đến quên đi giới luật cúa Chuá Trời.
“Nhưng lạy Mẹ…. (Cụ ông thầm thì ) ….. tất cả đã lịm tắt. Mẹ ơi, con chỉ còn Mẹ là nguồn an ủi, là ánh sáng đời con, là hồng tâm mà mũi tên lửa của tâm hồn con luôn nhắm tới.”
Tình yêu chan chứa của cụ ông dành cho “Đức Mẹ” đã làm con cháu phải ghen tức, bực bội. Thật thế, bao nhiêu tiền bạc cụ dành giụm được trong những năm tuổi trẻ, cụ đều dâng hiến để làm sáng danh Đức Mẹ. Cụ đã gởi về quê hương cụ đến mấy chục ngàn đô để xây đền thánh, xây đài tưởng niệm Đức Mẹ. Cụ yêu tất cả danh xưng của Mẹ. Nhưng biệt danh “Đức Mẹ La Vang” là cụ cung kính trên hết vì Đức Mẹ La Vang đã chữa lành bệnh cho cụ, một chứnh bệnh nan y mà các Bác sĩ thời ấy đành bó tay.

Năm ấy, vào khoảng năm 1956, cụ cùng với anh trai của cụ lúc ấy là một Linh Mục (nay đã trở thành Đức Ông, Đức Ông năm nay đã ngót nghét tuổi một trăm). Hôm ấy Thánh Địa La Vang trời thanh quang, cụ, Linh Mục anh trai cụ, và một số Linh Mục khác đang đi đàng thánh giá kính Đức Mẹ. Đến chặng thứ 8, cụ rùng mình vì thấy một luồng khí lạnh xâm chiếm toàn thân… Những tâm tư u uẩn, những lo toan về bệnh tật, về cuộc sống ….. giờ phút ấy cụ đã trút hết cho Đức Mẹ.
Cụ, anh trai cụ và các bạn Linh Mục đã rời La Vang vào một buỗi chiều nhạt nắng; tâm hồn lâng lâng ….. mang trong hồn hình ảnh dịu dàng, nét cười ấm áp bàn tay thon nhỏ, búp măng của Mẹ thánh Maria.
Hôm nay nhớ về miền quá khứ …… cụ còn như nhìn rõ ánh mắt sững sờ, kinh ngạc của cô em, người mà mỗi ngày đều giúp cụ thay băng trên một lỗ nhỏ, nằm dưới cột sống của cụ, mà qua lỗ nhỏ này máu mủ thường chảy ra ướt đẫm miếng băng dầy. Hôm ấy cô em đã sửng sốt kêu lên: “Lạ chưa, miếng băng khô nguyên” và rồi hôm sau, và hôm sau nữa miếng băng vẫn khô nguyên.
“Ôi, lạy Đức Mẹ, con, đứa con tội lỗi của mẹ, mẹ đã làm gì cho con?” Trong nước mắt nhạt nhòa, ông Chủ tịch Hợp tác xã {phải, ngày ấy cụ làm Chủ Tịch) như được nắm trong tay bàn tay búp măng có những ngón thon nhỏ của người Mẹ cao vời, nhưng thật gần gũi với nhân loại. “Vâng, lạy Đức Thánh Mẫu, Mẹ có một trí nhớ vô song, mẹ làm sao quên được lời trăn trối của con trai cực thánh mẹ khi người nhìn thánh Gioan đang đứng gần Mẹ dưới chân Thánh Giá và nói với Mẹ “Này là con Bà.”
Nhớ về miền qúa khứ …. cụ làm sao quên được ngày ấy …. ngày mà các Bác sĩ đều công nhận bệnh “rỉ tủy sống ” của cụ đã hoàn toàn biến mất. Từ ngày nhận được phép lạ hiển nhiên ấy, cụ chỉ còn biết sống vì Mẹ, tin ở Mẹ, phó thác toàn thân cho Mẹ.
Ôi lòng từ mẫu của các bà mẹ thế gian đã được đời ca tụng biết bao nhiêu, qua những nhạc khúc, những vần thơ, những áng văn chương tuyệt mỹ của biết bao thế hệ . Những người làm con đã nghĩ ra biết bao mỹ từ, biết bao ước lệ để diễn tả tình mẫu tử. Còn Mẹ, lạy Đức Thánh Mẫu, cả trăng sao, cả non ngàn, cả đại dương mênh mông, cả trăm hoa đua nở, cả muôn ức nụ cười của mỹ nhân, cả phong thái quân tử cuả những trang anh hùng. Tất cả vẻ đẹp hùng vĩ, vẻ đẹp mong manh …. và những vẻ đẹp muôn hình vạn trạng của trần gian, cũng không sao diễn tả được vẻ đẹp từ mẫu của Mẹ. Đức Mẹ cuả chúng con, lòng Đức Mẹ thương con cái nhân loại mới bát ngát dường nào, mênh mông làm sao.
Chín mươi ba năm trong cuộc sống dương gian của cụ; sức đã mòn, lực đã mỏi …. nhưng việc kinh nguyện hàng ngày để tỏ lòng tôn kính Đức Mẹ thì cụ không bao giờ lơ là. Trừ những khi quá mệt mỏi, còn bình thường mỗi ngày, cụ ông của Uyên đều qùy đọc hai tràng chuỗi Mân Côi dâng lên Mẹ …
Uyên từ Mỹ Châu sang thăm ông; mặc dầu đã là mùa hè nhưng khí hậu Genève vẫn còn lành lạnh. Mỗi ngày đúng tám giờ sáng, nàng ăn điểm tâm với ông .. Nàng vô cùng cảm phục ông vì̀ không ngày nào ông nàng trễ một phút. Không trễ một phút nào, không phải chỉ cho những bữa ăn sáng, nhưng cho tất cả các công việc ông làm trong ngày. Giờ đọc kinh, giờ dự lễ, giờ viếng Chúa, giờ nghe các bài giảng về Đức Mẹ (các bài giảng mà ông đã thâu trong băng cassettes) giờ đọc sách báo nói về Đức Mẹ. Ông làm tất cả các công việc trên với lòng đam mê của một người trẻ.
Uyên trầm ngâm suy nghĩ: “Động lực nào đã giúp ông cụ có một sức mạnh tiềm tàng cả về thân xác lẫn tinh thần như vậy?” Đã chín mươi ba tuổi ông vẫn đi đứng vững chãi, vẫn tính toán công việc (Việc xây cất, sửa sang nhà thờ, việc bác ái xã hội, việc thư từ thăm hỏi con cháu) một cách minh mẫn sáng suốt, và hoàn tất công việc sinh hoạt hằng ngày một cách mực thước. Ôi, câu trả lời chỉ có thể “Tình yêu Mẹ Maria, tình ông dâng Mẹ, tình Mẹ cho ông.”
Về lại Mỹ đã mấy tuần nhưng cảnh đẹp dịu dàng của Châu Âu, những con đường rợp bóng cây, những toà lâu đài cổ kính, dòng sông Seine êm đềm, và trên tất cả là nụ cười ấm áp của cụ ông. Tất cả vẫn sống động và đầy ắp trong Uyên. Nàng muốn viết nhiều, viết thật nhiều về ông về Âu Châu… nhưng tay Uyên đã mỏi …. Cánh tay của Uyên đã bị gãy trên con đường di tản năm 1975. Mỗi lần viết nhiều, bàn tay Uyên co rút lại , khuỷu tay đau nhức.
Lạy Đức Mẹ, biết bao đau khổ, biết bao tai ương mà con cái trần gian của Mẹ đang gánh chịu mỗi ngày. Đức Mẹ đã làm vết thương của ông con khô ráo. Xin Mẹ hãy làm khô ráo những vết thương đang chảy mủ trong tâm hồn và thân xác chúng con. Dù VỀ MIỀN QÚA KHỨ, dù sống trong HIỆN THỰC, dù vọng tưởng về TƯƠNG LAI, ước gì chúng con luôn biết hướng về Mẹ , tin vào tình yêu hải hà của Mẹ …
Bây giờ ở phương trời xa ấy… ông đang làm gì, đang chậm bước trong công viên đầy lá vàng… Ước gì cháu ở bên ông, để hai ông cháu vừa ngắm lá vàng rơi, vừa cất cao tiếng hát ca tụng Mẹ nhân ái. “Sống có Mẹ nào con sợ chi, sống có Mẹ nào phải lo gì, dù những cơn gian nguy thì cũng không can chi, dưới cánh tay Mẹ đưa thật êm, con say sưa giọng hát êm đềm …. có Mẹ sợ chi, có Mẹ lo gì ……”

Vũ Thùy Nhân
Cali. một chiều cuối năm
Chú thích:
* Câu truyện trên là truyện thật 100%
* Cụ ông của Tác Giả mất năm cụ 103 tuổi và được chính phủ Thụy Sĩ ban tặng là công dân có tuổi Thọ cao nhất Nước.
* Cụ được Tòa Thánh La Mã phong tặng chức HIỆP SĨ TOÀ THÁNH.