Tiếng Vit Đáng Yêu

Tranduc Han Prudence

Thưa Quý Độc giả, để trình bày ý nghĩa khác biệt của hai từ kép “mến yêu” và “đáng yêu”, tôi xin đưa ra hai thí dụ. (1) Khi ta được trao kỷ vật của dòng họ như quyển gia phả chẳng hạn, người ngoài không quí trọng vì nó không có giá trị khách quan đối với họ, nhưng ta vẫn “mến yêu” nó. (2) Nếu ta được trao cho một tượng điêu khắc với nhiều nét hoa mỹ mà rất nhiều người đánh giá khách quan có nghệ thuật cao, tượng đó xứng đáng để được yêu: “đáng yêu”.


  1. Những nhận xét khách quan về tinh hoa của Tiếng Việt:

            Tiếng Việt và tiếng Tầu đơn âm (monosyllable), mỗi từ vựng chỉ có một âm với ý nghĩa nó muốn diễn tả. Các tiếng của Âu Mỹ, Nhật, và Korea đa âm (polysyllable), hầu hết các từ vựng do nhiều âm ghép lại. Tiếng đa âm không đòi hỏi phải có thật nhiều âm tiết (cách phát âm khác nhau), vì mỗi âm tiết có thể ghép vào âm tiết khác làm thành một từ vựng mới có ý nghĩa khác.    


Tiếng Việt có 2,402 âm tiết.



Tiếng Tầu có 409 âm tiết.

            Tiếng Việt có nhiều âm tiết nhờ mức độ phát âm lên bổng xuống trầm khác nhau (không dấu, sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng) nên có rất ít đồng âm. Do đó Việt Ngữ (Quốc Ngữ) mới có thể dùng Alphabet Latin mà không bị rối nghĩa.


            Do mức độ lên bổng xuống trầm khác nhau nên khi nói tiếng Việt rất gần như hát vậy.  Vì vậy khi các Catholic Missionaires (Cố truyền đạo) đến Việt Nam đều có cùng nhận xét, “. . . nghe người Việt nói như chim hót vậy”. Cố thi sĩ Đông Hố Lâm Tấn Phác (Phác) cựu GS Văn Khoa SG xác định lại nhận xét trên trong bài thơ sau:


Ríu rít tiếng chim kêu,

Mẹ truyền con hót theo,

Đó là vần Viêt Ngữ,

Lẽ nào em không yêu!

Đông Hồ Lâm Tấn Phác


            Đọc xong bài thơ, ta cảm thấy những lời thiết tha mời gọi ta hãy xử dụng tiếng Việt vì những giá trị khách quan. Tôi là học trò của Thầy, cảm nhận những lời tha thiết đó, nên “họa lại” như sau:


Tiếng nói như chim kêu,

Sóng nhạc luôn kèm theo,

Bổng trầm nhiều thanh ngữ,

Tiếng Việt thật đáng yêu.

Tranduc Han (Prudence)


    Bài “họa lại” này có phổ nhạc và nằm trong quyển Tiếng Việt Đáng Yêu.


Chữ viết cho Tiếng Việt phải ghi đầy đủ 2,402 âm tiết. Nếu thiếu, nó sẽ trở thành bẩn tục và ngây ngô.

Vì tiếng Tầu không đủ giàu âm tiết cần thiết để đáp ứng tiếng đơn âm, nên có quá nhiều đồng âm (homonym) cùng âm nhưng nghĩa khác. Do đó tiếng Tầu phải dùng chữ tượng hình (ideograph) cùng âm nhưng chữ khác nhau để phân biệt nghĩa khác nhau.

 

                                                *   *   *


  1. Các vị đã có công sớm nhất trong việc thành lập Việt Ngữ:

(1) Francisco Di Pina 1620 và (2) João Roiz 1621(Portugese = Bồ-Đào-Nha) vài năm sau có chỉ dẫn bước đầu cho cố Alexandre De Rhodes (Đắc Lộ).

(3) Cristoforo Borri, (4) Luis Gaspar, (5) Antonio De Fontes 1926, (6) Francesco Buzomi (Italians).

(7) Gaspar D’Aamiral (Italian) soạn quyển từ vựng Annamiticum – Lusitanum = Việt – Bồ. Cố Đắc Lộ tham khảo cho các tác phẩm của ngài.

 (8) Antoine De Barbosa (Italian) với quyển từ vựng Lusitanum Annamiticum = Bồ – Việt. Cố Đắc Lộ tham khảo cho các tác phẩm của ngài.

(9) Alexandre De Rhodes (Pháp) sang VN 1624, có công lớn nhất, từ các công trình của các cố kể trên và hai sách tham khảo trên, cố đã xây dựng một hệ thống chữ viết khá hoàn chỉnh. Sau đó soạn sách và xin Vatican tài trợ để in (1) Dictionarium – Annamiticum – Lusitanum – Latinum = Việt – Bồ – La (1651), (2) Linguae Annamicae Seu Tunkinnesis Brevis Declaratio = Ngữ Pháp Việt Ngữ Đàng Ngoài (1652), (3) Catechismus = Phép Giảng Tám Ngày (1652). Ba quyển sách này cho ta biết Việt Ngữ đã tới mức độ 80% như ngày nay.


III. Các vị dùng Việt Ngữ đầu tiên viết về Đạo Catholicism (Công Giáo):

(1) Igesio Văn Tín (Việt), (2) Bento Thiện (Việt), (3) Pignau De Behaine (Bá Đa Lộc, người Pháp) soạn thêm từ điển Dictionarium Annamiticum. (4) Jean Tabert (Pháp) soạn từ điến Dictionarium Annamiticum – Latinum. (4) Philipphê Bỉnh (Việt), (5) Phan Văn Minh.


  1. Các vị Catholics không viết về Đạo mà viết về truyện đời cho tất cả người Việt

Petrus Trương Vĩnh Ký (Việt) có 18 tác phẩm gồm chuyển từ Chữ Nôm sang Việt Ngữ thí dụ Kim Vân Kiều (Nguyễn Du), Lục Súc Tranh Công (vô danh), Lục Vân Tiên Truyện (Nguyễn Đình Chiểu), viết lại các truyện truyền miệng thí dụ Chuyện Đời Xưa – Lựa Những Chuyên Hay Mà Có Ích, Chuyên Khôi Hài, Phép Lịch Sự Annam.

Paulus Huỳnh Tịnh Của (Việt) Gia Định Báo (1861 – 1888), Đaị Nam Quốc Âm Tự Vị, và 11 tác phẩm khác, một số viết lại truyện Chữ Nôm và truyền miệng như Quan Âm Diễn Ca, Thoại Khanh – Châu Tuấn, Bạch Viên – Tôn Các.


  1. Chi tiết lịch sử chính trị liên quan đến việc dùng Việt Ngữ.

Vì 58 bản thỉnh cầu canh tân của Nguyễn Trường Tộ (quan trọng nhất là làm như Nhật Bản, ký và thi hành các hiệp ước ngoại giao và thương mại với nhiều nước có kỹ nghệ, kinh tế, và khoa học tiến triển cao ở thời đó để không nước nào dám chiếm Việt-Nam làm thuộc địa riêng) bị các vua nhà Nguyễn-Phước làm ngơ (nhiều nhất vào thời Tự Đức).

Vì chính trị của thế giới đã biến đổi, rất nhiều nước đã theo chế độ dân chủ (có quốc hội, tổng thống, thủ tướng), nước khác tuy còn giữ chế độ quân chủ cũng phải lập quốc hội để chia quyền, riêng các vua Nguyễn-Phước muốn “bế quan tỏa cảng” để dân không biết gì bên ngoài hầu nắm trọn vẹn tất cả quyền hành.

Vì Tự Đức từ chối tất cả các thơ thỉnh cầu ký hòa ước thương mại của Louis XVIII, Charles X, và Napoléon III; cả sau khi Pháp biểu dương lực lượng ở bờ biển VN của Montigny, Rigault De Génouilly, Page, và Charner. Vì trong vài tháng về Pháp thăm quê hương của Jean Chaignau (trưởng nhóm quân Pháp đã  giúp Nguyễn Ánh đánh thắng Tây Sơn, có vợ Việt) vào triều đình và quốc hội Pháp đề nghị đánh chiếm Việt-Nam.

Nên Pháp chiếm Đà Nẵng 1858, Sài Gòn 1859. Triều đình Huế phải ký Hòa Ước Bonard (Nhâm Tý) 1861 nhường 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường cho Pháp. Năm 1867, La Grandière chiếm thêm 3 tỉnh miền tây. Pháp cai trị toàn Nam Kỳ (Cochinchine).

Cũng như các Missionaires, Pháp thấy Chữ Nôm qúa khó, phải biết rành rẽ chữ Nho mới học được Chữ Nôm. Vì Chữ Nho là chữ ngoại quốc không viết Tiếng Việt của dân dùng hàng ngày nên chỉ khoảng 10% biết, Vì nhiều Chữ Nôm do 2 hay 3 Chữ Nho ghép lại nên chỉ còn chưa được 1% biết Chữ Nôm. Như vậy 90% dân Việt mù chữ.

Để phổ biến luật lệ và tin tức, Pháp khuyến khích học Việt Ngữ đã nằm sẵn trong các quyển sách viết về Catholicism (Công Giáo). Họ tuyển những người biết chữ này vào làm việc hành chánh, đồng thời thiết lập hai hệ thống trường học Pháp Ngữ và Việt Ngữ, bãi bỏ học chữ Nho năm Giáp Tý 1864. Trí thức Catholics bắt đầu dùng Việt Ngữ viết sách và viết báo về truyện và chuyện đời. (Nhưng văn nhân thi sĩ không là Catholics làm ngơ. Vua và các quan chống đối.)

Người lớn thấy con nít sau mấy tháng học đánh vần cầm sách báo đọc oang oang lấy làm ngạc nhiên. Các vị học Chữ Nho miệt mài cả chục năm chưa đọc được sách Chữ Nho dễ dàng như vậy.

Sau đó Pháp dần dần chiếm VN từ Nam ra Bắc. Tháng 5 – 1884, Pháp ký Hòa Ước Tientsin (Thiên Tân) với Tầu, giảm thiểu ảnh hưởng nặng nề của Tầu. Ngày 6 – 6 – 1884, triều đình Huế phải ký Hòa Ước Patenôtre công nhận việc cai trị toàn nước VN của Pháp. Dĩ nhiên hai hệ thống trường học Pháp Ngữ và Việt Ngữ được thiết lập trong toàn cõi Việt Nam.


  1. Cao trào toàn dân Việt học và dùng Việt Ngữ (Quốc Ngữ).

Sau một thập niên, đại đa số trí thức của tất cả tôn giáo, kể cả các vị đã học Chữ Nho, thấy được sự lợi ích và quý giá vĩ đại của Việt Ngữ. Với mục đích quảng bá chữ này, danh từ Quốc Ngữ ra đời. Họ chuyển ngữ các sách Chữ Pháp, Nho, Nôm. Họ ghi lại các truyện, ca dao . . . truyền miệng. Họ viết sách và báo. Cho tới năm 1915, đã có gần 20 tờ báo phát hành như Đông Dương Tạp Chí, Nam Phong Tạp Chí, vân vân. Sách và báo mỗi năm càng nhiều hơn. Lợi ích của Chữ Việt thật vô cùng vĩ đại.

Để xóa nạn mù chữ cho người lớn, các lớp tối có tên là Đông Kinh Nghĩa Thục ra đời năm 1907 do công đầu của Lương Văn Can ở Bắc Kỳ (Tonkin) và Phan Chu Trinh ở Trung Kỳ (Annam). (Nhưng vua và các quan vẫn chống đối. Thầy giáo Trần Qúy Cáp dạy thêm lớp tối về khuya bị quan Phan Ngọc Quát bắt và xử tử chém ngang lưng ngay sau đó. Vài ngày sau quan này được vua thăng chức.)

Nhưng trước cao trào học và dùng Quốc Ngữ của dân, vua và các quan phải chấp nhận. Vua Duy Tân bãi bỏ thi Chữ Nho ở Bắc Kỳ năm Ất Mão 1915. Vua Khải Định bãi bỏ thi Chữ Nho ở Trung Kỳ năm Mậu Ngọ 1919.


Tiếng và chữ Anh, Pháp, Tầu . . . đối với người Việt trong nước (hiện nay là 90 triệu) đều là tiếng và chữ ngoại quốc. Học và dùng được tiếng và chữ ngoại quốc, nhiều lắm cũng chỉ 20% làm được. Nếu không có Việt Ngữ, 80% dân Việt sẽ mù chữ.

Ở ngoại quốc, rất nhiều báo nhiều loại, văn nhân, thi sĩ, đoàn thể, nhà soạn nhạc, ca sỹ, đài phát thanh, đài truyền hình đang gìn giữ Tiếng Việt và Việt Ngữ song hành với những cây bút chân chính nơi quê nhà.


                        Tranduc Han Prudence


Tham Khảo: Biểu Nhất Lãm Văn Học Cận Đại (GS Thanh Lãng) Nguồn Gốc Chữ Quốc Ngữ (LM Đỗ Quang Chính) Chữ Viết của Người VN Qua Các Thời Đại (Nam Hoài Bão) Tiếng Việt Đáng Yêu (Tranduc Han Prudence).



Tác Giả  ╣►  (Authors)


Sáng Tác  ╣►  (Literature)